Từ năm 2005 đến nay, Constellation Software đã chi 8,7 tỷ USD cho hơn 860 startup, và doanh thu công ty tăng bình quân 25%/năm.

Trong khoảng 12 tháng qua, dòng vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào startup toàn cầu đã giảm hơn 50%, do sức ép suy thoái kinh tế đè nặng lên việc định giá các nhóm công nghệ non trẻ, theo dữ liệu từ Financial Times.

Mới đây, báo cáo Tình trạng công nghệ châu Âu của Atomico công bố hôm 28/11 qua cho biết tổng nguồn tài trợ rót vào startup công nghệ ở châu Âu năm 2023 dự kiến ​​giảm 45% so với một năm trước. Atomico dự báo, tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup công nghệ châu Âu đạt 45 tỷ USD trong năm nay, tiếp tục xu hướng giảm so với mức 82 tỷ USD năm 2022, và 100 tỷ USD năm 2021.

Theo báo cáo, 2023 là năm đảo ngược so với thời gian trước đại dịch Covid-19, vốn chứng kiến ​​sự tăng mạnh mẽ về mức định giá và tài trợ khi ngành công nghệ huy động được lượng vốn kỷ lục. Bên cạnh đó, nhà cung cấp dữ liệu Crunchbase cũng chỉ ra rằng, các quỹ mạo hiểm toàn cầu đã đầu tư 76 tỷ USD vào các startup trong 3 tháng đầu năm 2023, chưa bằng một nửa so với 162 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Thậm chí, nhiều nhận định còn cho rằng nếu không có thương vụ Microsoft rót 10 tỷ USD vào OpenAI, 3 tháng đầu năm nay sẽ là quý tồi tệ nhất với hoạt động đầu tư mạo hiểm trong hơn 5 năm trở lại.

Do đó, có thể nói các startup, đặc biệt là các công ty "đã nhiều tuổi" đang ở trong giai đoạn khó khăn. Hơn nữa, sự ra mắt yếu kém trên thị trường chứng khoán gần đây của ARM - nhà sản xuất chip của Anh, Instacart - tập đoàn giao hàng tạp hóa và công ty phần mềm Klaviyo, lại càng làm giảm nhiệt tình của giới đầu tư với các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Giữa lúc dòng vốn đầu tư mạo hiểm cạn kiệt, dữ liệu từ công ty nghiên cứu PitchBook cho thấy các startup ở vòng gọi vốn cuối cùng cần lượng tiền gần gấp 3 lần số tiền hiện có, và trên thực tế do khó khăn này mà nhiều nơi đang phải rao bán mình. Hiện, các thương vụ mua lại công ty tư nhân có giá trị từ 100 triệu USD trở lên đang ở mức cao nhất kể từ tháng 9/2022.

Trong bối cảnh này, một người mua lại startup hào phóng là Constellation Software (gọi tắt là Constellation). Các mục tiêu được công ty Canada này để mắt đến phải sở hữu doanh thu ít nhất 5 triệu USD, và cho thấy mức tăng trưởng doanh thu lẫn lợi nhuận ổn định. Ngoài ra, một đội ngũ quản lý mạnh, tốt nhất là do người sáng lập dẫn dắt, là một điểm cộng lớn. Theo Economist, dù Constellation đã chi mạnh tay cho nhiều thương vụ lớn, giá trị bình quân của các công ty được mua lại là khoảng 3 triệu USD.

Theo Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC), từ năm 2005 đến nay, Constellation đã chi 8,7 tỷ USD cho hơn 860 công ty. Trong giai đoạn này, doanh thu của công ty tăng bình quân 25%/năm. Năm nay, con số này có thể vượt quá 8 tỷ USD. Như một Big Tech, giá trị thị trường của công ty đã tăng 250% trong 5 năm qua, lên 50 tỷ USD, vượt trội so với chỉ số NASDAQ. Hiện, Constellation là công ty công nghệ lớn thứ hai của Canada sau Shopify.

Con đường đầu tư giống tập đoàn của Warren Buffett

Dù là do may mắn hay chủ ý, sự thành công của Constellation được dựa trên các nguyên tắc rất giống với Berkshire Hathaway của huyền thoại đầu tư Warren Buffett - một trong số các tập đoàn đầu tư lớn nhất thế giới. Giống như tỷ phú Warren Buffett và cố tỷ phú Charlie Munger, Mark Leonard - nhà sáng lập, Chủ tịch của Constellation, cũng tìm kiếm các doanh nghiệp cho thấy lợi thế cạnh tranh lâu dài.

Trong thế giới của Constellation, các doanh nghiệp này là các công ty phần mềm chuyên xây dựng sản phẩm số cho các ngành công nghiệp không quá "hấp dẫn" trong mắt giới đầu tư, từ đại lý ô tô, nhà thầu xây dựng cho đến spa. Trên thực tế, Big Tech tránh xa thị trường tương đối khó khăn này và các công ty nhỏ lại thiếu bí quyết cần thiết. Kết quả là nó mang lại lợi nhuận lớn cho các công ty nắm giữ thị trường và Constellation.

Sau khi thỏa thuận mua lại hoàn tất, giống với Berkshire Hathaway, Constellation vận hành hoạt động kinh doanh một cách chừng mực. Công ty không sáp nhập các startup mới được mua lại hoặc bổ nhiệm lãnh đạo mới vào tổ chức, mà đơn giản là giao lại hoạt động hằng ngày cho ban lãnh đạo hiện tại. Bên cạnh đó, Constellation cũng không quá khắt khe trong việc loại bỏ sự kém hiệu quả mà đặt trọng tâm vào các chức năng kinh doanh chung.

Theo Paul Treiber của RBC, Constellation tin rằng việc chia tách một doanh nghiệp sẽ làm suy yếu mối quan hệ của doanh nghiệp với khách hàng. Thay vào đó, tiền mặt từ các công ty con chảy về công ty mẹ và công ty mẹ sử dụng nó để mua các doanh nghiệp mới, và chu trình này cứ thế tạo ra nhiều tiền mặt hơn.

Để quản lý hơn 800 công ty, Constellation có cấu trúc như một công ty cổ phần với 6 nhóm hoạt động lớn. Trong đó, doanh nghiệp hoạt động ở các thị trường tương tự được nhóm lại với nhau. Vào năm 2021, Constellation cho ra mắt Topicus - nơi tạo ra 14% tổng doanh thu của công ty và hiện được định giá 5,8 tỷ USD. Khi bất kỳ đơn vị nào trong số 5 đơn vị hoạt động lớn còn lại đủ lớn, họ cũng có thể được niêm yết. Giống như Topicus, Constellation sẽ giữ quyền kiểm soát hội đồng quản trị.

Trái với các quỹ tư nhân hoặc đầu tư mạo hiểm, Constellation không có chiến lược thoát. Điều này giúp công ty Canada có thể kiên nhẫn hơn với các quyết định đầu tư của mình. Giống với Berkshire Hathaway và Warren Buffett, mỗi năm Leonard cũng gửi thư đến các nhà đầu tư, khẳng định rằng Constellation là "một chủ sở hữu các công ty tốt một cách lâu dài".

Chính tâm lý chạy đường dài này cũng định hình cho việc trả lương đối với nhân viên. Cụ thể, tiền thưởng gắn liền với lợi nhuận trên vốn đầu tư thay vì phụ thuộc vào mức tăng doanh thu. Ngoài ra, các CEO cũng phải đầu tư 3/4 số tiền thưởng của bản thân vào cổ phiếu công ty và không được bán chúng trong 4 năm. Điều này góp phần làm cho các đề xuất của ban quản lý phù hợp hơn với khuyến khích từ các cổ đông.

Có thể thấy, thành công của Constellation phản ánh một sự thật quan trọng về hoạt động mua bán và sáp nhập: các công ty mua lại hàng loạt có xu hướng vượt qua các tổ chức thỉnh thoảng mới có một thương vụ. Theo Tobias Lundberg - chuyên gia tại công ty tư vấn McKinsey, tổng lợi nhuận bình quân mà những người mua thường xuyên tạo ra cho cổ đông hằng năm nhiều hơn khoảng 2% so với những người mua không thường xuyên.

Lundberg cho rằng ưu thế này xuất phát từ việc thường xuyên thực hiện thâu tóm. Giống như việc tập thể dục, càng mua nhiều, công ty càng trở nên giỏi hơn. Một số công ty như Tyler Technologies ở Texas và Roper Technologies từ Florida cũng đang cố gắng bắt chước "chế độ tập luyện" của Constellation bằng cách thu nhặt các nhà sản xuất phần mềm chuyên ngành. Tuy nhiên, cho đến nay, không ai đạt đến được sức mạnh như của Constellation.

Theo: Doanhnhansaigon

Km 29 Đại Lộ Thăng Long Hà Nội
info@hitc.org.vn
0904117577